Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Đau bụng hàng giờ và buồn nôn có phải bị bệnh dạ dày

Do công việc quá bận rộn nên tôi thường xuyên ăn uống không điều độ. Thời gian gần đây tôi thường bị đau vùng bụng trên, hơi chếch về bên trái và bị đau từng cơn. Đó có phải là triệu chứng của đau dạ dày không?

 

A: Đau dạ dày là một trong những căn bệnh của cuộc sống hiện đại. Ngày nay những người càng thành đạt, nguy cơ đau dạ dày càng cao. Vì những căng thẳng, lo âu trong cuộc sống và trong công việc, đã tạo cho bạn những thói quen có hại như hút thuốc lá, nghiên rượu bia, uống café nhiều, thức khuya, ăn uống thất thường. Tất cả những yếu tố đó đã khiến cho dạ dày của bạn bị tổn thương. Bạn không thể ăn ngon miệng, càng không thể tập trung làm việc bởi những cơn đau âm ỉ luôn kéo dài.


Người bị đau dạ dày thường đau vùng bụng trên, đau liên tục hàng giờ, kèm theo buồn nôn, ăn không ngon miệng, tức bụng, đầy hơi, khó tiêu, có thể kèm theo táo bón hoặc tiêu chảy, ợ hơi, ợ chua, lưỡi đóng nhiều bợn trắng. Khi ăn vào cơn đau có thể dịu đi. Một số trường hợp cấp tính diễn ra nhanh và đột ngột gây đau dữ dội kèm với sốt cao, buồn nôn
 có thể nôn ra máu.


  • Đau dạ dày nếu có các triệu chứng báo động như sau bạn cần khám BS để được tư vấn nội soi dạ dày:
  • Đau dạ dày kèm buồn nôn, nôn ói, tiêu ra máu
  • Đau dạ dày kèm sụt cân
  • Đau dạ dày mới khởi phát ở người trên 40T
  • Đau dạ dày kéo dài trên 2 tuần không giảm với các thuốc giảm acid thông thường và điều chỉnh chế độ sinh hoạt

Để phòng ngừa đau dạ dày bạn nên sắp xếp cho mình một kế hoạch làm việc và ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Dù rất bận rộn bạn không nên bỏ bữa ăn và cần ăn đúng giờ. Bữa ăn phải là thời gian thư giãn. Việc suy nghĩ nhiều, lo lắng, căng thẳng sẽ làm bệnh càng tiến triển hơn. Một bầu không khí vui vẻ sẽ kích thích sự ngon miệng và là một liều thuốc bổ. Dạ dày cũng giống như một công chức mẫn cảm, chỉ dẻo dai khi làm việc có kế hoạch và đúng giờ giấc.


Khi ăn cần lưu ý: không nên “nhồi” ngay một lượng thức ăn lớn vào dạ dày của bạn. Ăn no sẽ làm dạ dày bạn phồng căng, sinh ra nhiều axit có hại, dễ đau. Mỗi ngày, bạn nên ăn thành 4-6 bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn nên đều đặn. Nên ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ để “chia sẻ” với dạ dày một phần công việc. Bữa ăn tối nên cách khi đi ngủ khoảng 3 tiếng, để không làm tăng lượng axit trong dạ dày.


Khi đang đói, bạn nên ăn để dịch vị trong dạ dày không có cơ hội tấn công niêm mạc dạ dày. Nếu chưa thể ăn ngay bạn có thể dùng tạm 1 ly sữa với vài cái bánh quy hay ly bột ngũ cốc hoặc ly chè. Không nên ăn những thức ăn lạ, khó tiêu. Bữa ăn sáng rất quan trọng không nên bỏ vì lượng thức ăn trong cơ thể bạn đã được bài tiết sau một đêm, nếu bạn nhịn đói sẽ mau mệt và não không đủ năng lượng để có thể tiếp nhận được một ngày mới tươi đẹp. Làm được những việc này sẽ giúp bạn tránh được cơn đau dạ dày. Tuy nhiên, không nên ăn những món có vị chua, cay, nóng hoặc quá mặn lúc đói và những loại gia vị có tính kích thích như hành, tỏi, ớt, hạt tiêu…Đặc biệt, không nên uống rượu mạnh, nhất là lúc đói, vì rượu sẽ kích thích lượng acid trong dạ dày tăng nhanh chóng.


Song song với việc ăn uống đúng giờ, bạn còn cần chú ý đến chất lượng bữa ăn. Phải chọn lựa thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày và đầy đủ các thành phần dinh dưỡng: gạo nếp, bột sắn, bánh mì, thịt, cá, rau, đậu…Bạn nên uống thêm sữa 1-2 ly mỗi ngày vào các bữa phụ và buổi tối trước khi ngủ để tăng thêm năng lượng và các chất dinh dưỡng. Theo các nhà khoa học, sữa và trứng là hai thực phẩm tốt nhất cho dạ dày. Đây là hai loại thực phẩm vừa giàu chất dinh dưỡng, vừa trung hoà được lượng acid trong dạ dày. Tuy nhiên, sữa chỉ nên uống khi dạ dày bạn đã có tinh bột lót đường. Nếu uống sữa với dạ dày trống rỗng thì lại là cách làm bạn nhanh chóng bị lạnh bụng dẫn đến tiêu chảy.Ngoài ra, có một mẹo nhỏ, bạn nên chuẩn bị sẵn vài viên kẹo và cái bánh trong túi áo, trong lúc làm việc nếu mệt mỏi bạn có thể dùng ngay. Thực tế, bạn hoàn toàn có thể có được một chế độ ăn phù hợp, nhẹ nhàng giảm những cơn đau dai dẳng của dạ dày dù bạn là một người bận rộn. Nên chăm sóc sức khoẻ bằng những bữa ăn hàng ngày. Đừng để đến khi cảm thấy cơ thể yếu dần hoặc là một triệu chứng nào đó bất thường trong cơ thể thì mới tìm cách khắc phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét